Đặc điểm chung của các hệ thống nhà thông minh

Đặc điểm chung của các hệ thống nhà thông minh

Kiến trúc sư nổi tiếng Le Corbusier từng nói “Nhà là cái máy để ở”. Câu nói đó ngày càng ứng nghiệm chính xác trong cuộc sống đương đại. Với kiến trúc hiện đại, trong các không gian nội thất tiện nghi, để điều khiển “cái máy ở” đang ngày càng trở nên phức tạp không thể thiếu các hệ thống tự động hóa, thiếu công nghệ phần mềm. Nhà thông minh chính là câu trả lời.

Đặc điểm chung của các hệ thống nhà thông minh

Về cơ bản, hệ thống nhà thông minh cho phép điều khiển các thiết bị trong nhà như thiết bị chiếu sáng, điều hòa, chống trộm… một cách tự động và tập trung, nhằm tạo ra sự tiện nghi, thoải mái, tiết kiệm năng lượng và an ninh.

Nhà thông minh bắt nguồn từ hệ thống tự động hóa tòa nhà, được biến đổi để áp dụng vào quy mô nhỏ hơn của một ngôi nhà hoặc một căn hộ. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các hệ thống nhà thông minh còn cho phép kết nối đến các thiết bị như smartphone hay tablet để tăng tính tiện dụng.

Các thiết bị sử dụng trong hệ thống công nghệ nhà thông minh gồm có: các cảm biến đo đạc (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, cảm biến chuyển động…), các bộ điều khiển như máy tính hoặc các thiết bị điều khiển chuyên biệt, và các thiết bị chấp hành như công tắc, động cơ, van có điều khiển.

Việc kết nối giữa các thiết bị có thể qua dây dẫn hoặc sóng radio. Đối với hệ thống nhà tự động hóa truyền thống, các thiết bị thường được nối dây đến một tủ trung tâm chứa các bộ điều khiển.

Một hệ thống tủ trung tâm trong hệ thống nhà thông minh cũ, trong đó các dây dữ liệu và dây cấp nguồn được đưa về một tủ chứa thiết bị điều khiển

Ngày nay, có nhiều giao thức truyền dữ liệu được sử dụng cho hệ thống nhà thông minh, trong đó có sóng radio hoặc sử dụng chính đường dây điện có sẵn trong nhà. Các hệ thống này giúp giảm thiểu việc đi dây và cho phép các thiết bị điều khiển được đặt phân tán trong nhà mà không phải sử dụng các tủ trung tâm phức tạp.

Các giao thức sử dụng cho giải pháp nhà thông minh hiện đại chủ yếu được phát triển dựa trên truyền thông đường điện (giao thức UPB) hoặc truyền thông sử dụng sóng radio (C-Bus, ZigBee, Z-wave, ANTfarm) hoặc có thể kết hợp cả 2 loại đường truyền (Insteon, KNX, X10).

Một điểm hạn chế là đa số các giải pháp chỉ cho phép quản lý và điều khiển các thiết bị trong nhà thông qua một giao diện tập trung, lựa chọn một số kịch bản cho sẵn, việc cho phép thiết bị hoạt động theo các kịch bản mềm dẻo còn hạn chế.

Có thể bạn quan tâm